Ngành dệt may: Chuyển từ lượng sang chất
Cập nhật: 30.07.2013 04:13
Tại Hội thảo góp ý vào dự thảo Quy hoạch ngành Dệt May Việt Nam giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030 ngày 20/8, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã đề nghị cần tập trung làm rõ quan điểm phát triển, định hướng phát triển, đặc biệt cần chú trọng đầu tư, mở rộng vùng nguyên liệu.
Tại Hội thảo góp ý vào dự thảo Quy hoạch ngành Dệt May Việt Nam giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030 ngày 20/8, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã đề nghị cần tập trung làm rõ quan điểm phát triển, định hướng phát triển, đặc biệt cần chú trọng đầu tư, mở rộng vùng nguyên liệu.

Năm 2008, Bộ Công Thương đã có Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Sau 5 năm thực hiện, quy hoạch dệt may cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay.


Mất cân đối trong quy hoạch

Ngành Công nghiệp Dệt May Việt Nam hiện nay đã đạt được một số thành tựu đáng kể, thu hút lực lượng lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội. Từ năm 2009 đến nay, dệt may đã có những bước tiến vượt bậc để trở thành ngành đi đầu về xuất khẩu của cả nước với kim ngạch xuất khẩu lên tới 12 tỷ USD mỗi năm. Tỷ trọng đóng góp của ngành dệt may đối với GDP cả nước là trên 8%.

Việt Nam có điểm mạnh là lực lượng lao động tương đối dồi dào, giá rẻ, dễ đào tạo, kỹ năng và tay nghề may tốt. Công nghệ và thiết bị may đã được đổi mới và hiện đại hóa đến 90%, sản phẩm may chất lượng phân khúc trung bình khá có tính cạnh tranh cao.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sỹ Phương- Phó Viện trưởng Viện Dệt May, một số bất cập nảy sinh vì mất cân đối trong quy hoạch dệt may chính là công nghệ hỗ trợ còn yếu, phần lớn vải và phụ liệu may phụ thuộc vào nhập khẩu. Liên kết trong chuỗi cung ứng yếu, chưa hình thành được các cụm, các khu công nghiệp dệt may. Sản xuất mô hình gia công chiếm tỷ lệ cao, giá trị gia tăng còn thấp; kỹ năng quản lý sản xuất còn yếu. Hiệu quả sử dụng thiết bị sợi, dệt, nhuộm chưa cao. Công tác thu thập, phân tích, cung cấp thông tin, thị trường trong nước và quốc tế chưa kịp thời.

Chính vì vậy, mặc dù dòng đầu tư đang dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng, phát triển do các hiệp định FTA mang lại nhưng khả năng cạnh tranh từ thị trường Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia, Campuchia ngày càng quyết liệt. Bên cạnh đó, “các rào cản kỹ thuật về vệ sinh, an toàn, môi trường, trách nhiệm xã hội, chống trợ giá có xu hướng ngày càng tăng. Sức thu hút hấp dẫn nhân lực cho ngành dệt may ngày càng yếu đi so với các ngành công nghiệp khác.”- ông Phương cho biết thêm.

Chuyển từ lượng sang chất

Mục tiêu xây dựng quy hoạch mới là nhằm xây dựng ngành dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn về xuất khẩu, có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng cao; tạo nhiều việc làm cho xã hội, nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Đặc biệt, đến năm 2020 ngành phấn đấu xây dựng một số thương hiệu nổi tiếng, hội nhập thị trường thế giới.

Trao đổi bên lề hội thảo góp ý kiến về Dự thảo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ông Phạm Văn Liêm- Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để phát triển ngành dệt may chính là phát triển mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường nội địa. Trong đó, thị trường xuất khẩu là khâu đột phá trong phát triển ngành, là một trong những nhân tố quyết định sự tăng trưởng của ngành Dệt May Việt Nam.

Theo ông Liêm, từ nay đến năm 2020 sẽ có nhiều cơ hội phát triển khá tốt, nhưng sau năm 2020 cơ hội giảm dần. “Cần chuyển từ lượng sang chất, nâng cao khâu tự thiết kế, mẫu mã thời trang, dệt may gia công chuyển về vùng nông thôn. Tập trung vào sản xuất nguyên phụ liệu như sản xuất chủng loại vải chất lượng cao, sản xuất sợi…”- ông Liêm đóng góp ý kiến.

Tại buổi góp ý, các chuyên gia cũng đề xuất, để thực hiện mục tiêu này, ngành dệt may cần tập trung vào các nhóm giải pháp: phát triển mở rộng thị trường; định vị các cụm công nghiệp dệt may tập trung, sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, cung cấp sản phẩm trọn gói; Tăng cường sự liên kết giữa các nhà sản xuất, các nhà cung ứng và tham gia trong chuỗi giá trị của ngành. Phát triển nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ về xơ sợi tự nhiên; khuyến khích đầu tư nước ngoài vào phát triển xơ xợi tổng hợp, thuốc nhuộm chất trợ.

Theo vietnamtextile.org.vn